Ngày 06/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường.
Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định là việc điều chỉnh trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), bao gồm việc miễn trách nhiệm tái chế đối với bao bì của kẹo cao su và một số đồ uống đóng chai khi chúng được thu hồi và tái sử dụng. Theo quy định cũ, một số mặt hàng phải thực hiện đồng thời cả hai trách nhiệm là thu gom, xử lý và tái chế (kẹo cao su) hoặc phải thực hiện tái chế đối với bao bì đã thu gom và sử dụng lại (vỏ chai bia, chai nước 19l). Quy định này không phù hợp và gây khó cho nhà sản xuất, nhập khẩu.
Do vậy, Nghị định số 05/2025/NĐ-CP đã sửa đổi và quy định rõ, nhà sản xuất, nhập khẩu kẹo cao su không phải thực hiện trách nhiệm tái chế đối với bao bì thương phẩm của kẹo cao su. Mặt hàng này chỉ phải thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý theo đúng quy định. Và nhà sản xuất, nhập khẩu đã đưa ra thị trường bao bì nhưng bao bì đó được chính nhà sản xuất đó thu hồi, đóng gói để tiếp tục đưa ra thị trường thì nhà sản xuất, nhập khẩu không phải thực hiện trách nhiệm tái chế đối với bao bì này.
Điểm mới nhất của Nghị định 05/2025/NĐ-CP trong quy định này chính là quy cách tái chế. Theo đó, quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn cho từng sản phẩm, bao bì chứ không yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu, nhiên liệu được thu hồi đối với tái chế sản phẩm, bao bì như trước đây.
Cũng theo quy định mới, đơn vị tái chế được nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc bên được ủy quyền thuê để thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì phải (i) có giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần trong đó có nội dung tái chế sản phẩm, bao bì đó theo quy định của pháp luật; (ii) được ít nhất 3 nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì ủy quyền tổ chức tái chế.
Theo Nghị định, trách nhiệm tái chế bao bì được xác định dựa trên doanh thu từ sản phẩm phải tái chế, thay vì áp dụng toàn bộ doanh thu hoặc giá trị nhập khẩu. Nhà sản xuất cũng được phép bảo lưu khối lượng tái chế từ năm trước nếu đã thực hiện đúng kế hoạch, tạo điều kiện linh hoạt trong việc hoàn thành trách nhiệm tái chế.
Những điều chỉnh này áp dụng cho các nhóm sản phẩm và hàng hóa thuộc Luật Bảo vệ môi trường 2020, bao gồm bao bì, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, và nhiều sản phẩm khác. Đồng thời, doanh nghiệp có thể lựa chọn đóng góp tài chính thay vì tái chế trực tiếp, mà không bị yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu thu hồi, tạo điều kiện linh hoạt trong việc thực hiện trách nhiệm tái chế.