Điểm mới nổi bật trong Nghị định 05/2025/NĐ-CP về quy trình tham vấn, cấp giấy phép môi trường và yêu cầu về quản lý nước thải

19/02/2025

Ngày 06/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về quy trình tham vấn, cấp giấy phép môi trường và yêu cầu về quản lý nước thải. 073147609

Về việc tham vấn, theo khoản 8 Điều 1 Nghị định 05/2025/NĐ-CP (sửa đổi Điều 26 Nghị định 08/2022/NĐ-CP) đã bổ sung hình thức tham vấn bằng văn bản đối với cộng đồng dân cư và cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư. Chủ dự án có thể lấy ý kiến bằng văn bản trong trường hợp các đối tượng này không tham dự họp tham vấn, với điều kiện số người tham gia góp ý đạt tối thiểu hai phần ba tổng số người chịu tác động.

Về cấp giấy phép môi trường, tại khoản 11 Điều 1 Nghị định hướng dẫn cụ thể quy trình nộp hồ sơ và phí thẩm định, cho phép tích hợp giấy phép đối với các dự án cùng chủ đầu tư, cùng địa điểm và chung hệ thống xử lý. Chủ dự án được yêu cầu hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 12 tháng kể từ khi nhận yêu cầu bổ sung, nếu không sẽ phải thực hiện lại thủ tục cấp phép từ đầu.

Theo khoản 11 Điều 1 Nghị định đã bổ sung quy định về kéo dài thời gian xử lý hồ sơ cấp giấy phép môi trường: 20 ngày đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, 15 ngày với cấp tỉnh và 10 ngày với cấp huyện. Ngoài ra, dự án không phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải có thể nộp hồ sơ trực tuyến, với thời gian xử lý tương tự.

Trong lĩnh vực quản lý nước thải, tại khoản 24 Điều 1 Nghị định 05/2025/NĐ-CP đã bổ sung thêm một số yêu cầu về quản lý nước thải đang được quy định tại Điều 57 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, cụ thể: Các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm phải lắp đặt công tơ điện độc lập, đồng hồ đo lưu lượng và duy trì nhật ký vận hành bằng tiếng Việt trong ít nhất hai năm. Cơ sở không thuộc danh mục này cũng được khuyến khích áp dụng các biện pháp kiểm soát tương tự.