Thay đổi quan trọng về việc xác định “các bên liên kết” trong quan hệ cho vay, bảo lãnh

17/02/2025

Nghị định 20/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ có hiệu lực từ ngày 27/3/2025 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. dn12tldv ROWQ

Một thay đổi quan trọng tại Nghị định 20/2025/NĐ-CP là sửa đổi quy định về việc xác định “bên liên kết” đối với doanh nghiệp cho vay hoặc bảo lãnh đối với doanh nghiệp khác như sau:

“d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện tổng dư nợ các khoản vốn vay của doanh nghiệp đi vay với doanh nghiệp cho vay hoặc bảo lãnh ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng dư nợ tất cả các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay”

Hiện tại, theo quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP, giao dịch cho vay, bảo lãnh giữa các doanh nghiệp được xác định là giao dịch liên kết nếu giá trị khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay và được xác định theo giá trị của từng giao dịch.

Kể từ ngày 27/3/2025, nếu tổng dư nợ các khoản vốn vay của doanh nghiệp đi vay với doanh nghiệp cho vay hoặc bảo lãnh ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng dư nợ tất cả các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay thì doanh nghiệp đi vay và doanh nghiệp cho vay hoặc bảo lãnh sẽ được xác định là “các bên liên kết”.

Cần lưu ý rằng Nghị định 20/2025/NĐ-CP sẽ được áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 và có thể gây ra các khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp trong việc rà soát, tái cơ cấu các khoản vay/cho vay nội bộ trong hệ thống.