BẢN TIN PHÁP LUẬT WIKI LLC TUẦN TỪ (15/11/2020 – 30/11/2020)

01/12/2020

NỔI BẬT TRONG SỐ NÀY:

QUY ĐỊNH MỚI NỔI BẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/01/2021

Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 (sau đây gọi tắt là “Bộ luật Lao động 2019”) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và sẽ thay thế cho Bộ luật Lao động 2012. Nhìn chung, so với Bộ luật hiện hành, các quy định của Bộ luật Lao động mới mang chiều hướng tích cực hơn trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đặc biệt, Bộ luật Lao động 2019 có sự thay đổi đáng kể trong việc nhận thức về các vấn đề giải quyết tranh chấp lao động.

Trong bản tin pháp luật này, chúng tôi sẽ trình bày một số điểm mới nổi bật đáng chú ý nhất về giải quyết tranh chấp lao động

1. Khái niệm tranh chấp lao động

  • Phạm vi xác định tranh chấp lao động

Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ ràng, chi tiết hơn về phạm vi và chủ thể của các quan hệ lao động nhằm xác định được triệt để các dấu hiệu thuộc phạm vi tranh chấp lao động. Cụ thể, Bộ luật mới quy định: Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động[1].

  • Phân loại tranh chấp lao động

Vẫn bao gồm tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể nhưng với mỗi loại tranh chấp, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm một số chủ thể riêng biệt:

  • Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động (NLĐ) với người sử dụng lao động (NSDLĐ); giữa NLĐ với doanh nghiệp, tổ chức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa NLĐ thuê lại với NSDLĐ thuê lại;
  • Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện NLĐ với NSDLĐ hoặc một hay nhiều tổ chức của NSDLĐ.

Ngoài ra, tranh chấp lao động tập thể về quyền và về lợi ích cũng được Bộ luật Lao động 2019 bổ sung một số trường hợp và sửa đổi mới như sau:

  • Tranh chấp lao động tập thể về quyền bổ sung trường hợp: Khi NSDLĐ có hành vi phân biệt đối xử đối với NLĐ, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện NLĐ; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện NLĐ; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.
  • Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích gồm các trường hợp sau:
  • Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể; và
  • Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động sẽ được giải quyết ngay khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Do đó, từ ngày 01/01/2021, các bên không cần bắt buộc phải thông qua thủ tục thương lượng hòa giải trực tiếp trước khi tiến hành giải quyết tranh chấp lao động như quy định hiện hành[2]. Thay đổi này là hoàn toàn phù hợp, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết tranh chấp lao động.

3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

Bộ luật Lao động 2019 ghi nhận thêm 01 cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động – Hội đồng trọng tài lao động, cụ thể như sau:

  • Đối với tranh chấp lao động cá nhân: Bổ sung Hội đồng trọng tài lao động.
  • Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền: Thay Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bằng Hội đồng trọng tài lao động.

4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động

  • Tranh chấp lao động cá nhân

Từ ngày 01/01/2021, thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động nếu người yêu cầu chứng minh được do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu theo thời hạn quy định của pháp luật[3].

  • Tranh chấp lao động tập thể về quyền

Thay vì quy định chung thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm, bộ luật mới có sự thay đổi và phân chia cụ thể hơn:

  • Đối với hòa giải viên lao động: 06 tháng;
  • Đối với Hội đồng trọng tài lao động: 09 tháng;
  • Đối với Tòa án: 01 năm.

5. Quy trình giải quyết tranh chấp lao động

5.1 Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

a. Các trường hợp không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải

Bộ luật Lao động mới kế thừa quy định của Bộ luật Lao động hiện hành[4] và bổ sung thêm 03 trường hợp không bắt buộc thông qua thủ tục hòa giải như sau:

  • Các tranh chấp về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm;
  • Các tranh chấp về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
  • Các tranh chấp giữa NLĐ thuê lại với NSDLĐ thuê lại.

b. Các trường hợp được lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động thực hiện giải quyết tranh chấp

Gồm các trường hợp sau đây:

  • Một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành;
  • Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành.

Lần đầu tiên bên yêu cầu được lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động trong các trường hợp này; bởi theo quy định hiện hành, mỗi bên chỉ được yêu cầu Tòa án thực hiện giải quyết tranh chấp[5].

5.2 Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động

Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thông qua Hội đồng trọng tài lao động là quy định hoàn toàn mới, cụ thể như sau:

Bước 1: Gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Hội đồng trọng tài lao động

Trên cơ sở đồng thuận, các bên gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động đến Hội đồng trọng tài lao động. Các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án và Hội đồng trọng tài lao động cùng giải quyết tranh chấp, trừ trường hợp Ban trọng tài không được thành lập hoặc Ban trọng tài không đưa ra quyết định giải quyết trong thời hạn quy định.

Bước 2: Thành lập Ban trọng tài lao động

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Hội đồng trọng tài lao động phải thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp. Ban trọng tài lao động làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp các bên cùng lựa chọn một trọng tài viên lao động để giải quyết.

Bước 3: Ra quyết định giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
  • Khi có quyết định giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài lao động, các bên tiến hành thực hiện theo quyết định đó. Nếu một trong các bên không thực hiện quyết định thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

5.3 Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

Kể từ ngày Bộ luật mới có hiệu lực, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp[6].

Bên cạnh đó, trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

  • Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết;
  • Tổ chức đại diện NLĐ có quyền tiến hành thủ tục đình công.

[1] Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019.

[2] Khoản 6 Điều 194 Bộ luật Lao động 2012.

[3] Khoản 2 và Khoản 4 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019.

[4] Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động 2012.

[5] Khoản 4 Điều 201 Bộ luật Lao động 2012.

[6] Khoản 2 Điều 195 Bộ luật Lao động 2019.

CÁC VĂN BẢN KHÁC:

ĐẦU TƯ

  • Quyết định 2149/QĐ-BGTVT năm 2020 thông báo các văn bản hết hiệu lực liên quan đến công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà thầu do Bộ Giao thông vận tải ban hành

(Ngày hiệu lực: 01/12/2020)

  • Công văn 1632/TTg-CN năm 2020 về bổ sung danh mục dự án điện mặt trời vào quy hoạch phát triển điện lực do Thủ tướng Chính phủ ban hành

(Ngày hiệu lực: 20/11/2020)

GIAO THÔNG – XÂY DỰNG

  • Công văn 4175/BNG-LS về chuyến bay chở công dân từ Nhật Bản về các ngày 26, 27 và 02/12/2020 do Bộ Ngoại giao ban hành

(Ngày hiệu lực: 25/11/2020)

  • Công văn 4415/BQP-TM năm 2020 về triển khai thiết lập khu vực cấm bay, hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ do Bộ Quốc phòng ban hành

(Ngày hiệu lực: 25/11/2020)

HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP

  • Công văn 4257/BTP-TCCB năm 2020 về thực hiện rà soát công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Tư pháp ban hành

(Ngày hiệu lực: 16/11/2020)

  • Công văn 9740/VPCP-V.I năm 2020 về thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do Văn phòng Chính phòng ban hành

(Ngày hiệu lực: 20/11/2020)

  • Công văn 4547/LĐTBXH-TCCB năm 2020 thực hiện công tác quản lý hồ sơ công chức, viên chức do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành

(Ngày hiệu lực: 20/11/2020)

  • Thông báo 735/TB-TANDTC về sơ tuyển đối với thí sinh tham dự kỳ thi tuyển công chức Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao năm 2020 do Hội đồng tuyển dụng công chức ban hành

(Ngày hiệu lực: 27/11/2020)

  • Quyết định 2046/QĐ-BTTTT năm 2020 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực Viễn thông và Internet thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông

(Ngày hiệu lực: 05/12/2020)

TÀI CHÍNH

  • Quyết định 1815/QĐ-TTg năm 2020 về tạm cấp kinh phí hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung do Thủ tướng Chính phủ ban hành

(Ngày hiệu lực: 15/11/2020)

  • Nghị định 134/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 84/2016/NĐ-CP về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng

(Ngày hiệu lực: 01/01/2021)

  • Quyết định 208/QĐ-VKSTC về công bố công khai dự toán ngân sách năm 2020 của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Hà Nội do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

(Ngày hiệu lực: 26/11/2020)

XUẤT NHẬP KHẨU

  • Công văn 6487/BYT-ATTP năm 2020 về thực hiện biện pháp kiểm soát đối với thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch bệnh Covid-19 do Bộ Y tế ban hành

(Ngày hiệu lực: 24/11/2020)