Doanh nghiệp nước ngoài đang lợi dụng nhãn hiệu “Made in Vietnam”

12/06/2024

Câu chuyện chuyển sản xuất ra nước ngoài để thay đổi xuất xứ hàng hóa, thậm chí thực hiện các hành động gian lận xuất xứ hàng hóa đang là một vấn đề đáng cân nhắc cả ở góc độ quản lý vĩ mô cũng như các hành động cụ thể của các doanh nghiệp nội địa.

WIKI LEGAL xin đăng tải lại bài viết của Luật sư Quách Mạnh Hồng và cộng sự về vấn đề xuất xứ hàng hóa. Bài viết này đã được đăng tải trên báo điện tử Vietnamnet năm 2006.

Doanh nghiệp nước ngoài đang lợi dụng nhãn hiệu “Made in Vietnam” R 1

Cập nhật lúc: 16/08/2006 12:00:00 AM

Trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam có nhiều chính sách, quy định về ưu đãi đầu tư để thu hút đầu tư, trong đó có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu 100% sản phẩm, thế nhưng có những ảnh hưởng mà có thể chưa được xem xét tới.

Một trong những lý do để các nhà đầu tư nước ngoài bây giờ đầu tư sang một nước khác là để tránh việc bị áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm xuất khẩu từ thị trường nội địa (thị trường trong nước của nhà đầu tư) mà nước nhập khẩu đang áp dụng đối với họ.

Họ đầu tư sang Việt Nam trong những lĩnh vực sản xuất hàng hóa mà Việt Nam chưa bị áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này ở thị trường nhà đầu tư đó dự định xuất khẩu. Họ xuất khẩu 100% sản phẩm để tranh thủ các ưu đãi đầu tư của Việt Nam, được một thời gian thì chính các nhà sản xuất ở Việt Nam cũng bị áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng đó.

Trong trường hợp này, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không theo một chiến lược dài hạn mà nhắm tới các mục đích trước mắt: tránh mức thuế chống bán phá giá mà Việt Nam chưa bị thị trường nhập khẩu áp dụng; thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam để hưởng ưu đãi từ các liên kết kinh tế khu vực mà Việt Nam là thành viên.

Lợi bất cập hại – Những hệ quả có thể lường trước

Nhà đầu tư nước ngoài, khi xuất khẩu 100% sản phẩm, đương nhiên được hưởng các ưu đãi đầu tư, thậm chí là rất nhiều (ưu đãi cả về tài chính và thủ tục hành chính; hiện nay, sản xuất, chế biến xuất khẩu 80% sản phẩm trở lên thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư).

Mục đích đầu tư của họ chỉ là sử dụng xuất xứ hàng hóa của Việt Nam, nhãn hiệu “Made in Vietnam” được sử dụng như là bình phong để tránh mức thuế chống bán phá giá mà nước có thị trường xuất khẩu của nhà đầu tư nước ngoài này đang áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu từ thị trường nội địa của nước họ mang quốc tịch.

Rõ ràng chúng ta đã tự đánh mất đi các nguồn thu lớn cho ngân sách qua việc “lãng phí” các ưu đãi cho các nhà đầu tư này. Nếu như các nguồn lực tài chính này được dành cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cùng loại trong nước thì sẽ thúc đẩy sản xuất và tăng cường được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam trên thị trường thế giới đối với mặt hàng đó.

Một trong các ưu thế của hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng các nước khác có cùng điều kiện kinh tế – xã hội tương tự (như các nước ASEAN chẳng hạn) trên thị trường nước nhập khẩu là giá cả. Tuy nhiên, khi bị áp dụng thuế chống bán phá giá, ưu thế này đương nhiên bị mất đi khi giá sản phẩm buộc phải tăng cao.

Cần lưu ý là, khi nước nhập khẩu áp dụng thuế chống bán phá giá, nó được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đó ở nước xuất khẩu bị coi là xuất khẩu hàng với giá thấp hơn chi phí sản xuất hay thấp hơn giá bán trong nước, chứ không chỉ mỗi mình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó. Một hệ quả có thể lường trước là các doanh nghiệp Việt Nam mất đi thế mạnh ở thị trường xuất khẩu.

Vấn đề thẩm định đầu tư và lời tạm kết

Gần đây, đã có rất nhiều bài viết về chính sách ưu đãi đầu tư của các tỉnh thành trong cả nước. (Xem thêm: “Cạnh tranh xé rào hay cuộc chạy đua xuống đáy” – Vũ Thành Tự Anh – Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 13 –2006, 22/3/2006).

Câu chuyện cho ta thấy việc thu hút đầu tư không thể bằng mọi giá, không thể tính đến cái lợi trước mắt mà quên đi cái được về lâu về dài; không thể chỉ tính đến chỉ tiêu thu hút đầu tư của từng địa phương mà quên đi cái lợi tổng thể; và một vấn đề quan trọng là việc thẩm định đầu tư, cụ thể là xem xét động cơ, mục đích đầu tư của nhà đầu tư cần phải được thẩm tra kỹ lưỡng.

Hệ quả tất yếu cho câu chuyện trên là không chỉ nhà đầu tư đó, mà cả một chuỗi các doanh nghiệp, thậm chí là cả một ngành sản xuất (dĩ nhiên trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam) bị ảnh hưởng. Vai trò của Trung ương trong kiểm soát và hướng dẫn chính sách ưu đãi đầu tư của các địa phương, do đó, cần được đẩy mạnh, sự phân quyền nhưng cần rõ ràng (Xem thêm: “Cơ chế phân quyền nên rạch ròi hơn” – Bài phỏng vấn TS. Phạm Duy Nghĩa – Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 13 –2006, 22/3/2006).

Như vậy, phải chăng cần xem xét lại chính sách đầu tư và các ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài mà các tỉnh thành hiện nay đang áp dụng. Đối với những nhà đầu tư này, họ làm ăn theo kiểu ngắn hạn, đầu tư vào với hai mục đích: tránh mức thuế chống bán phá giá mà nước nhập khẩu đang áp dụng với họ và đầu tư vào Việt Nam để hưởng ưu đãi từ các liên kết kinh tế khu vực.

 Liệu ưu đãi đầu tư có là biện pháp tốt nhất để thu hút đầu tư? Chính sách thu hút đầu tư cần được thực hiện có chiến lược và cẩn trọng, có tính đến lợi ích chung cho cả nền kinh tế và sự hội nhập, phát triển tổng thể nột nền kinh tế vững mạnh, trong đó thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, phù hợp với xu hướng hiện nay là thu hẹp khoảng cách và sự phân biệt với “DN trong nước”. Lợi ích quốc gia phải được nhìn nhận ở tầm chiến lược, đối với tổng thể nền kinh tế trong một khoảng thời gian, lợi ích không chỉ là một tấm chăn hẹp dành riêng cho một thiểu số doanh nghiệp.

Như vậy, xuất xứ hàng hóa đã trở thành một con dao hai lưỡi đối với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài.

Quách Mạnh Hồng – Nguyễn Đặng Minh

(Văn phòng Luật sư LEADCO – Vietnam Legal Counsellors)

VietnamNet