Nghị định 21/2021/NĐ-CP thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

29/03/2021

Ngày 19/03/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2021/NĐ-CP thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (sau đây gọi tắt là “Nghị định 21/2021/NĐ-CP”), có hiệu lực từ ngày 15/05/2021) và thay thế cho các Nghị định:

  • Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; và
  • Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP.

Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bày một số điểm nổi bật nhất của Nghị định 21/2021/NĐ-CP.

1.Tài sản bảo đảm

Nghị định mới quy định 04 nhóm tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ gồm:

  • Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;
  • Tài sản trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
  • Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;
  • Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.

2Áp dụng pháp luật và thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

  • Áp dụng các quy định đặc thù: Trong trường hợp pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, tài nguyên thiên nhiên, thủy sản, lâm nghiệp, hàng không, hàng hải, sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ hoặc lĩnh vực khác có quy định đặc thù về tài sản bảo đảm, xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc xử lý tài sản bảo đảm.
  • Áp dụng quy định của pháp luật về phá sản: Trong trường hợp bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm hoặc người có nghĩa vụ được bảo đảm bị tuyên bố phá sản.
  • Thực hiện theo thỏa thuận của các bên: Trong trường hợp các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thỏa thuận khác với quy định tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP; với điều kiện phải phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, không vi phạm giới hạn việc thực hiện quyền dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.
  • Áp dụng quy định về cầm cố tài sản, thế chấp tài sản: Trong trường hợp chủ sở hữu tài sản và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác.
  • Áp dụng quy định về biện pháp bảo đảm tương ứng với nội dung thỏa thuận: Trong trường hợp thỏa thuận có nội dung về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng các bên không xác định rõ hoặc xác định không chính xác tên biện pháp bảo đảm; và nội dung thỏa thuận phù hợp với biện pháp bảo đảm quy định tại Bộ luật Dân sự.

3Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng nhiều tài sản

Theo Nghị định 21/2021/NĐ-CP, một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì bất kỳ tài sản nào trong số đó được dùng để bảo đảm sẽ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

4Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm

Biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực pháp luật. Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là:

  • Thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan: đối với trường hợp biện pháp bảo đảm phải đăng ký theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc được đăng ký theo thỏa thuận hoặc được đăng ký theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm.
  • Từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản bảo đảm: đối với biện pháp cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược không thuộc điểm a nêu trên.
  • Từ thời điểm (i) bên nhận cầm cố, bên nhận đặt cọc hoặc bên nhận ký cược nắm giữ tài sản bảo đảm; hoặc (ii) người quản lý tài sản nhận trực tiếp tài sản bảo đảm từ bên cầm cố, bên đặt cọc hoặc bên ký cược; hoặc (iii) hợp đồng bảo đảm có hiệu lực trong trường hợp người khác đang quản lý trực tiếp tài sản mà tài sản này được dùng để cầm cố, để đặt cọc hoặc để ký cược: đối với trường hợp tài sản bảo đảm thuộc biện pháp bảo đảm quy định tại điểm b được giao cho người khác quản lý.
  • Từ thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ: đối với biện pháp ký quỹ.

5.  Quyền truy đòi tài sản bảo đảm

Khi biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt, bên nhận bảo đảm có quyền truy đòi tài sản bảo đảm trong trường hợp tài sản bảo đảm bị chuyển giao cho người khác do mua bán, tặng cho, trao đổi, chuyển nhượng, chuyển giao khác về quyền sở hữu; chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi về tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật và không thuộc các trường hợp sau đây:

  • Tài sản bảo đảm đã được bán, được chuyển nhượng hoặc đã được chuyển giao khác về quyền sở hữu do có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm và không được tiếp tục dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận;
  • Tài sản thế chấp được bán, được thay thế hoặc được trao đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 321 của Bộ luật Dân sự;
  • Tài sản bảo đảm không còn hoặc bị thay thế bằng tài sản khác quy định tại Điều 21 Nghị định 21/2021/NĐ-CP.

Trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại thì bên nhận bảo đảm vẫn có quyền truy đòi tài sản bảo đảm được thực hiện theo:

  • Điều 658 Bộ luật Dân sự và quy định khác về thừa kế của Bộ luật Dân sự trong trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết; hoặc
  • quy định của pháp luật về giải thể pháp nhân, phá sản trong trường hợp bên bảo đảm là pháp nhân bị giải thể, bị tuyên bố phá sản.

6Áp dụng pháp luật đối với hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm

  • Hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập, thực hiện trước ngày Nghị định 21/2021/NĐ-CP có hiệu lực thì áp dụng Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP;
  • Hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập, thực hiện trước ngày Nghị định 21/2021/NĐ-CP có hiệu lực mà chưa được thực hiện hoặc đang thực hiện có nội dung khác với quy định của Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì các bên có thể thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm phù hợp với Nghị định 21/2021/NĐ-CP và để áp dụng quy định của Nghị định 21/2021/NĐ-CP.