Ngày 28/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân:
- Hằng năm: Giá bán lẻ điện bình quân năm N được tính toán dựa trên chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm N-2 (hai năm trước đó). Sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công khai báo cáo tài chính và chi phí điện, cơ quan quản lý sẽ xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh đúng biến động thị trường.
- Trong năm tài chính: Khi có thay đổi lớn về chi phí đầu vào (ví dụ: giá nhiên liệu than, khí đốt tăng mạnh, chi phí mua điện từ các nguồn năng lượng tái tạo tăng, chi phí vận hành tăng…), EVN có thể đề xuất điều chỉnh giá điện ngay trong năm.
Ngưỡng điều chỉnh giá điện và thẩm quyền quyết định:
EVN không còn toàn quyền điều chỉnh giá điện, mà phải tuân theo một quy trình chặt chẽ với sự giám sát của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Chính phủ. Cụ thể:
- Giảm giá điện từ 1% trở lên: Khi giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên, EVN tự động điều chỉnh giảm và trong vòng 5 ngày làm việc phải báo cáo Bộ Công Thương để kiểm tra, giám sát.
- Tăng giá điện từ 2% đến dưới 5%: EVN lập hồ sơ phương án tăng giá, báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến. Bộ Công Thương có 15 ngày làm việc để xử lý kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
- Tăng giá điện từ 5% đến dưới 10%: Quy trình tương tự như trên, nhưng sau khi Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và đồng ý, EVN thực hiện điều chỉnh giá và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
- Tăng giá điện từ 10% trở lên: Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện điều chỉnh.
Tần suất điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân
- Tối thiểu là 3 tháng/lần kể từ lần điều chỉnh gần nhất.
- Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh giảm nhưng EVN không thực hiện, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá điện. Sau khi nhận được yêu cầu, EVN phải thực hiện trong vòng 05 ngày làm việc.
- Nếu phát hiện sai sót trong việc tính giá điện, Bộ Công Thương có quyền yêu cầu tạm dừng hoặc điều chỉnh lại giá bán lẻ điện bình quân. EVN cũng có trách nhiệm thực hiện yêu cầu này trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo.
Yêu cầu về công khai, minh bạch:
Nghị định 72/2025/NĐ-CP yêu cầu EVN và các cơ quan liên quan thực hiện công khai, minh bạch toàn bộ quá trình điều chỉnh giá điện, bao gồm: (i) Công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện từng năm; (ii) Minh bạch trong việc tính toán giá bán lẻ điện bình quân, (iii) Công bố rộng rãi thông tin điều chỉnh giá điện để người tiêu dùng biết và giám sát.